Tại sao chúng ta lại đau khổ, điều gì khiến tâm trí không thể được bình yên?
Tâm trí thực sự là gì và nó gồm những thành phần nào?
Ta có phải là tâm trí hay là kẻ điều khiển tâm trí? Nếu ta là kẻ điều khiển thì tại sao nó lại không chịu nghe lời ta mà cứ rong ruổi đuổi theo những suy nghĩ và cảm xúc không có hồi kết?
Với tôi thì tâm trí không chỉ giới hạn trong não bộ, não bộ chỉ là phần cứng xử lí thông tin mà tâm trí nạp vào, tâm trí còn là toàn bộ thực tại khách quan và cách ta trải nghiệm, tiếp cận thực tại đó. Tuy nhiên những phần này ý thức của ta không thể tiếp cận được vì bản ngã không có quyền năng để tiếp cận với thực tại tối thượng, nó như mặt trời được tạo ra để trị vì mặt đất ý thức, nó là một hệ quả chứ không phải gốc rễ của mọi thứ. Vậy làm thế nào để ta có thể làm chủ được tâm trí, làm chủ được thực tại?
Đối với tôi, tâm trí như một đối tượng dẫn lối cho cuộc sống. Để có một cuộc sống mĩ mãn, đẹp đẽ, cao thượng và thành đạt, chúng ta buộc phải thiết kế tâm trí theo những lý tưởng và viễn cảnh nhất định. Chúng ta buộc phải hướng đến ngai vàng của những vị vua!
Nhà tâm lý học phân tích Carl Jung cho rằng tâm trí con người được chia thành ba phần: Ý thức, vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Ý thức đóng vai trò trong việc xây dựng bản ngã và diễn đạt những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, kí ức hay những ý tưởng sáng tạo. Vô thức cá nhân hay còn gọi là tiềm thức là nơi làm nền cho ý thức, nơi này lưu trữ những phần kí ức bị bỏ quên hoặc dồn nén của cá nhân đó, đồng thời nó cũng là nơi vận hành mã gen của con người và các thói quen hàng ngày không đòi hỏi đến ý thức. Cuối cùng là vô thức tập thể, nhìn một cách khách quan thì vô thức tập thể là nơi tập hợp tất cả những gì mà tổ tiên ta có được dưới dạng các quy luật, nguyên mẫu lặp đi lặp lại cho mọi đời, ví dụ như “nỗi sợ bóng tối” hay “tình yêu thương của mẹ với con”, còn với tôi thì nó còn bao hàm tất cả thông tin của vũ trụ này, nơi đó không có không thời gian, ẩn chứa một kho tàng cần được khai phá.
Vậy tại sao chúng ta lại đau khổ bởi chính tâm trí này, theo như Đức Phật thì đó là do sự mắc kẹt, sự dính mắc với những thứ vô thường như cảm xúc, suy nghĩ và kí ức của ta. Ta không thể buông bỏ và để chúng lướt qua vì ta không nhận thức được chúng như một người ngoài cuộc mà lại chìm đắm trong chúng như ta là chính bản ngã của ta. Một tâm trí mắc kẹt với những suy nghĩ, cảm xúc, kí ức và những ý tưởng sẽ không thể có được sự bình yên thật sự, từ đấy nó sẽ không thể tìm thấy được hạnh phúc đích thực.
Ta không phải tâm trí của ta, ta có thể đồng nhất với nó nhưng cũng có thể tách ra và quan sát chính nó, càng quan sát ta càng thông tuệ, hiểu biết về bản thân là một dạng trí tuệ vượt trội hơn mọi dạng hiểu biết khác.
Carl Jung cho rằng, để có thể toàn thành tự ngã, hay có thể nói đơn giản là hoàn thiện chính mình, đạt đến sự bình yên và hạnh phúc đích thực thì phải để bản ngã Ego tan giã và sáp nhập vào The Self – một nguyên mẫu đại diện cho trạng thái lý tưởng hóa, một viễn cảnh viễn mãn hoàn hảo như thiên đàng hay niết bàn. Nhưng tại sao, đến cuối đời Carl Jung với chưa thể nhắm mắt với sự bình yên trong tâm hồn, hay là do mọi người nghĩ ông ấy vậy, người ta cho rằng ông ấy vẫn còn đôi mắt rạo rức và còn mải mê tìm kiếm những phát kiến, những sự kích thích mới. Thực sự như nào, chỉ có ông ấy mới biết!
Vậy thì những điều này liên quan gì đến nhau, à không tôi không nhận là mình đã đạt hay có thể đạt đến trạng thái đỉnh cao đó nếu trạng thái đó là có thật và tôi vẫn còn đang loay hoay tìm kiếm những kích thích mới đến từ các hoạt động thể chất, cảm xúc đa dạng trong các mối quan hệ hay tiếp nhận những tri thức mới phục vụ việc làm tiền.
Thực sự là để đạt đến ngai vàng của vị vua, đạt đến Phật tánh hay tiệm cận được chúa Jesus trong tôi, tôi buộc phải đi con đường của một pháp sư, đó là khai thông trí tuệ và làm tiền, con đường của một người tình, đó là kết giao đồng minh và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, con đường của một chiến binh, đó là chiến đấu hết mình và rèn giũa thân thể, tinh thần để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.
Giống như chúa Jesus hay Đức Phật cần 33 năm để thực sự bước vào con đường Đạo thánh khiết, tôi cũng cần 33 năm để có thể sống và trải nghiệm mọi thứ dưới góc nhìn của thế gian trước khi có thể hiểu được bản thân mình và biết mình đang tìm kiếm điều gì?
Nhưng rồi sao, đúng vậy câu hỏi tiếp theo là rồi sao? 33 năm trải qua, nếu ta vẫn đắm chìm trong những giằn vặt của kí ức về quá khứ, những lo lắng về mộng tưởng tương lai và những khoái lạc vui thú trong hiện tại. Tâm trí ta không thể nào được yên, vẫn mải mê đuổi bắt những đối tượng như hình với bóng.
Phải chăng trạng thái lý tưởng nhất là không còn có một trạng thái lý tưởng nào cả, phải chăng tìm về với chân ngã vĩnh hằng là tìm về với tánh không, tìm về với sự buông bỏ. Phải chăng trạng thái lý tưởng cuối cùng để uốn một cái cây tạo nên một tác phẩm đẹp nhất chính là để mọi thứ thuận theo tự nhiên, không gồng ép, không cưỡng cầu giống như Lão Tử có nói đến trong Đạo đức kinh?
Hãy bắt đầu với thiền, nhìn lại ở bên trong, câu hỏi cũng chính là câu trả lời và câu trả lời thì nằm ở trong chính ta! Hạnh phúc đích thực là sự tìm kiếm thỏa mãn ở bên trong.